DJC

Đã đánh giá tài liệu

Cảm ơn bạn đã phản hồi

Những nét đẹp đặc trưng của Nam Định

Những nét đẹp đặc trưng của Nam Định

| 463 lượt xem | thuyduongdjc

Dấu xưa hành cung Tức Mặc - Thiên Trường.

Về Nam Định cũng là về thăm mảnh đất quý hương, đất dấy nghiệp của nhà Trần. Nơi đây từng hiện hữu một hành cung đặc biệt, đóng vai trò như kinh đô thứ hai, chỉ sau kinh thành Thăng Long. Hành cung Tức Mặc (nay thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định) được vua Trần Thái Tông cho xây dựng vào năm 1239. Đến năm 1262, hương Tức Mặc mở rộng thành phủ Thiên Trường, gồm cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa và chùa Phổ Minh. Thủ phủ này cũng là căn cứ địa chiến lược trong 3 lần kháng chiến chống Nguyên Mông.

Hàng trăm năm đã trôi xa, bánh xe lịch sử đã lăn qua bao dặm trường miên viễn. “Cửa biếc cung vàng” của hành cung Tức Mặc - Thiên Trường cũng lùi vào quá vãng. Dấu tích về một hậu cứ vững chắc thời Trần nay chỉ còn lưu lại nơi tháp chùa Phổ Minh. Dẫu vậy, Thiên Trường xưa mãi là nét đẹp hoài cổ đầy luyến thương trên quê hương Nam Định.

Nét đẹp nghề ươm tơ dệt lụa.

“Hỡi cô thắt dải lưng xanh. Có về Nam Định với anh thì về. Nam Định có bến đò Chè. Có tàu Ngô Khách, có nghề ươm tơ”. Tơ lụa Quần Anh từ xưa đã nổi danh, sánh ngang với lụa hàng Hà Đông. Một số xã làng khác như Ngọc Cục (Ngọc Tiên), Ngô Xá, Lạc Nghiệp, Quy Phú... cũng một thời gắn bó với nghiệp “trăm năm xe một sợi vàng”.

Làng ươm tơ lâu đời và nổi tiếng nhất phải kể đến Cổ Chất. Nằm bên dòng Ninh Cơ (nay thuộc xã Phương Định, huyện Trực Ninh), Cổ Chất là nơi sản xuất những cuộn tơ mộc với kỹ thuật ươm tơ và kéo sợi đặc biệt. Thời hoàng kim, ngược xuôi thuyền buôn ghé qua ngôi làng nhỏ, đầy ắp tơ vàng chở về bến đò Chè. Rồi từ bến thị nhộn nhịp ấy, tơ Cổ Chất đi khắp gần xa, nhuộm óng cả trấn Sơn Nam Hạ. Ngày nay, người dân Cổ Chất bằng tình yêu mãnh liệt vẫn nổi lửa bếp ươm, giữ gìn nét xưa của nghề cha ông truyền lại.

Ngoài ươm tơ dệt lụa, Nam Định còn có gần 100 làng nghề thủ công truyền thống. Chẳng hạn như làng đúc đồng Tống Xá, kèn đồng Phạm Pháo, khắc gỗ La Xuyên, nón lá Nghĩa Châu, sơn mài Cát Đằng, mây tre Thạch Cầu, nước mắm Sa Châu, làng rèn Vân Chàng...

Vùng đất của những thánh đường.

Công giáo thuộc nhóm 3 tôn giáo chính ở Nam Định (cùng với Phật giáo và Tin lành). Nam Định hiện cũng là tỉnh có nhiều nhà thờ nhất Việt Nam. Trong số đó, không ít thánh đường được xây dựng công phu, quy mô bề thế. Trang nghiêm đền thánh Kiên Lao, cao vút thánh đường Phú Nhai, uy nghi tòa giám mục Bùi Chu, cổ kính nhà thờ lớn Nam Định, độc đáo nhà thờ đổ - nhà thờ trái tim Hải Lý.... Những tuyệt tác nổi bật với phong cách kiến trúc gothic, choáng ngợp chiều rộng không gian và thăm thẳm chiều sâu thời gian. Hơn 600 giáo đường lớn nhỏ như một đường thẳng, chạy song song trên nền mặt phẳng di tích đình chùa miếu (vốn đậm đặc văn hóa Đông A thời Trần). Sự song hành thú vị này cũng là điểm nhấn cảnh quan đặc biệt, níu chân du khách khám phá Nam Định.

Phổ biến tín ngưỡng thờ Mẫu.

Nam Định còn là một trong những trung tâm lớn của tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam. Tổng cộng hơn 400 điểm đền, phủ, lăng... thờ Mẫu. Nổi bật nhất là quần thể di tích Phủ Dầy ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, phụng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Hàng năm, Phủ Dầy khai hội long trọng từ mùng 3 đến mùng 8 tháng 3 âm lịch. Lễ hội gắn liền với chợ Viềng, mỗi năm chỉ họp một phiên. Ngoài phần nghi thức trang nghiêm (rước Mẫu thỉnh kinh, rước đuốc, hầu đồng...), lễ hội còn tổ chức thi hát chầu văn, đấu vật, đấu cờ người... Nếu hội Đền Trần (tưởng nhớ Hưng Đạo Đại Vương) tượng trưng cho tín ngưỡng thờ Cha thì hội Phủ Dầy tiêu biểu cho tín ngưỡng thờ Mẹ. Hai trục niềm tin tâm linh đối xứng nhau, hợp thành không gian tâm thức đậm đà bản sắc dân tộc.

Những con người ươm hoa vào đất.

Hàng ngàn năm sinh tồn hình thành cộng đồng cư dân Nam Định đoàn kết, chung sức chinh phục thiên nhiên. Dấu chân đi trước khẩn hoang lấn biển, ngăn đập đắp đê. Bàn tay theo sau đào mương khơi ngòi, thau chua rửa mặn. Cứ thế, những thửa ruộng bùn pha cát mở rộng dần về phía đông, gieo trồng “hạt ngọc tiến vua”. Loại gạo tám xoan đặc sản, thơm ngát, dẻo dai từ Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Xuân Trường. Chuối ngự vàng ươm ngọt thanh từ chợ Rồng. Khoai lang lim ngọt lịm từ chợ Chùa - thị trấn Nam Giang. 

Một cộng đồng lao động cần cù sáng tạo. Ở những vùng khó canh tác lúa gạo, đất vẫn lên xanh tốt làng hoa Vị Yên, Phù Long. Đất vẫn cứ sinh sôi trĩu cành cây ăn trái Mỹ Tiến, Kim Thái. Và dọc vùng duyên hải hơn 70 km, giọt mồ hôi diêm dân mặn nồng trên ruộng muối Bạch Long - cánh đồng muối rộng nhất miền Bắc.

Một cộng đồng ý thức sâu sắc về nguồn cội “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”. Tưởng ghi công ơn các vị anh hùng dân tộc, thần hoàng làng, tổ nghề... Gìn giữ nét đẹp trong nếp ăn nếp ở: “Tối tối đèn lửa thắp lên. Vợ chồng con cái tay liền xa quay”. Cộng đồng ấy còn vươn xa truyền thống hiếu học thành tài. Có niềm tự hào “làng học” Hành Thiện. Có 5 vị trạng nguyên rạng danh trong lịch sử khoa cử phong kiến: Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Trần Văn Bảo, Đào Sư Tích, Vũ Tuấn Chiêu. Có những nhà lãnh đạo cách mạng xuất chúng (đồng chí Lê Đức Thọ, Trường Chinh), nhà thơ tài hoa (Tú Xương, Nguyễn Bính...).

Dẫu hữu danh hay vô danh. Dẫu thời gian nhớ mặt đặt tên hay lãng quên dần theo sương khói. Tất cả họ đều mang trong mình hồn sông Vị thành Nam, đều cất chung tiếng nói của một phần lịch sử từ Thiên Trường xưa đến Nam Định nay.

Ẩm thực Nam Định quen mà lạ, bình dân nhưng vẫn đậm đà.

Nếu ví ẩm thực Nam Định như một khúc hòa ca thì nhịp phách đầu tiên chính là món phở. Ai đã từng thưởng thức Phở Cồ, phở Đán, phở Tạo hay phở Dậu, phở Xuyến..., ít nhiều sẽ nhận thấy sự khác biệt đặc trưng. Bánh phở Nam Định được làm từ gạo tẻ vụ mới, vừa vặn độ mỏng mướt dai, để trong ngày vẫn dẻo mềm. Đặc biệt, khâu nêm nếm hạn chế dùng muối, chủ yếu dùng nước mắm truyền thống loại ngon. Khác với phở Hà thành thiên vị ngọt thanh, thơm hương quế hồi; phở Thành Nam đúng điệu nước dùng quyện vị mắm, dậy mùi gừng, ngọt đậm đà nhưng không ngấy gắt. Chút phong vị mặn mòi miền duyên hải điểm xuyến trong bát phở nghi ngút khói tạo nên hương vị khó lẫn.

Theo sau phở là hàng loạt món ngon thân thuộc khác, dẫu bình dân mà vẫn để thương để nhớ cho người đi xa. Bánh cuốn làng Kênh, bánh mì Đò Quan, bánh gai, bánh nhãn Hải Hậu, xôi xíu, xôi cá rô, nem nắm Giao Thủy... Và cuối cùng, khúc vĩ thanh còn thêm nhiều đặc sản ấn tượng ngay từ tên gọi (bún đũa, bún sung, bánh xíu páo, kẹo sìu châu...). Những thức quà ấm lòng sáng trưa chiều tối trở thành nét hấp dẫn độc đáo của ẩm thực Nam Định.

Địa điểm nổi tiếng ở Nam Định:

Đền Trần (phường Lộc Vượng) - thờ 14 vị vua Trần cùng các quan lại có công phò tá vương triều. Ngôi đền xây dựng quy mô trên nền Thái miếu cũ của nhà Trần. Tổng thể gồm 3 công trình cổ kính: đền Thiên Trường, đền Cố Trạch và đền Trùng Hoa. Hàng năm vào đêm 14 tháng giêng, nơi đây sẽ diễn ra lễ Khai ấn, tưởng nhớ công lao tiền nhân và cầu nước nhà thịnh trị. Hội Đền Trần còn được tổ chức long trọng vào tháng 8 âm lịch (từ ngày 15 đến 20) với nhiều nghi thức truyền thống như rước kiệu, rước nước, dâng hương...

Chùa Phổ Minh (thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng) - ngôi chùa tháp cao nhất miền Bắc. Chùa xây vào thời Lý, đến năm 1262 được nhà Trần mở rộng bề thế hơn. Nổi bật trong khuôn viên rợp bóng những cây muồm trăm tuổi là tháp Phổ Minh cao 19,51m. Đế tháp hoàn toàn bằng đá xanh. 14 tầng thu hẹp dần, đỉnh tháp tạo hình hoa sen nhiều lớp. Chùa thờ 3 vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm (vua Trần Nhân Tông, sư Pháp Loa, sư Huyền Quang) và công chúa Mạc Ngọc Lâm.

Chùa Cổ Lễ (huyện Trực Ninh) - lưu giữ báu vật nặng 9 tấn giữa lòng hồ. Đó là quả chuông đồng được Hòa thượng Thích Thế Long cho đúc vào năm 1936. Kiến trúc chùa kết hợp hài hòa phong cách truyền thống phương Đông và gothic phương Tây. Hội chùa Cổ Lễ (tháng 9 âm lịch) cũng là một trong những lễ hội truyền thống tiêu biểu của Nam Định - “Dù ai buôn bán trăm nghề. Mười tư tháng Chín thì về hội Ông”.

Nhà thờ Hưng Nghĩa (huyện Hải Hậu) - ngôi thánh đường đẹp tựa lâu đài châu Âu. Công trình hoành tráng với chiều dài 76m, chiều rộng 33m, hai tháp chuông cao 58m. Thiết kế theo phong cách kiến trúc gothic tráng lệ. Bên ngoài bao phủ bởi gam màu xám lạnh. Bên trong vòm trần cao vút, trang trí hoa văn tinh tế. Hệ thống cửa kính sặc sỡ chiếu rọi ánh sáng lung linh xuống gian điện chính. Tất cả tôn lên vẻ đẹp nguy nga cho ngôi thánh đường.

Bảo tàng Dệt (đường Hoàng Hoa Thám, TP. Nam Định) - lưu giữ dấu ấn vàng son của ngành dệt Việt Nam. Bảo tàng có diện tích 1,2ha, chia thành nhiều gian trưng bày. Hiện vật sắp xếp hài hòa theo từng chủ đề, tái hiện thời kỳ “tay thoi, tay súng” đáng tự hào. Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ những kỷ vật thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 3 lần Người về thăm nhà máy dệt Nam Định.

Bãi tắm Thịnh Long (huyện Hải Hậu) - được mệnh danh nàng thơ của đất Nam Định. Không quá đông đúc nhộn nhịp, Thịnh Long mang vẻ đẹp êm đềm. Dải cát mịn trải dài hơn 3,5km. Nước biển trong xanh, không khí trong lành mát mẻ. Hải sản tươi ngon. Dáng dấp yên bình của Thịnh Long còn được điểm tô bởi những chiếc thuyền thúng mộc mạc dọc theo bờ biển.

Khu du lịch sinh thái Núi Ngăm (xã Minh Tân, huyện Vụ Bản) - điểm tham quan, nghỉ dưỡng lý tưởng. Khu du lịch nằm dưới chân núi Ngăm, bên dòng sông Sắt, cách trung tâm thành phố Nam Định chưa đầy 12km. Cảnh quan xanh mát, khu nhà nghỉ tiện nghi sang trọng. Khu du lịch còn xây dựng trang trại giáo dục trải nghiệm Núi Ngăm Xanh. Thông qua nhiều hoạt động thú vị (cấy lúa, làm gốm, làm tranh...) giúp các em học sinh tận hưởng khoảng thời gian vừa chơi vừa học.

Hồ Vị Xuyên (phường Vị Hoàng) - thắng cảnh giữa lòng thành phố Nam Định. Hồ là dấu tích còn lại của con sông Vị Hoàng (dòng sông Lấp nổi tiếng trong thơ Tú Xương). Tuy là hồ nước nhân tạo nhưng Vị Xuyên vẫn ấn tượng với vẻ đẹp thơ mộng, yên ả. Bên cạnh hồ là quảng trường 3 tháng 2, nơi đặt tượng đài Trần Hưng Đạo đúc bằng đồng nguyên chất nặng 21 tấn.

THÔNG TIN GIẢI THƯỞNG

🎄Brand Review Award (B.R.A) là giải thưởng thường niên danh giá tôn vinh Câu chuyện Thương hiệu Quốc - Tộc - Thương - Nhân toàn cầu và vinh danh thế hệ trẻ tài năng biết ứng dụng các loại hình nghệ thuật như tạp chí, sách tranh, phim ngắn, hội họa, âm nhạc, thơ ca… để review, sáng tác, tái hiện, truyền tải câu chuyện thương hiệu một cách độc đáo, sáng tạo và đậm chất. 

 Giải thưởng được khởi xướng bởi Tập đoàn Hành trình Kim cương phối hợp cùng ĐH Văn Lang đồng tổ chức cùng sự chỉ đạo của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam và được bảo trợ truyền thông bởi Netviet, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, Tạp chí Ngày mới Sài Gòn… Giải thưởng còn có sự đồng hành của các Sở ban ngành, Viện Lịch sử Dòng họ,Trung tâm Unesco Nghiên cứu Văn hóa các Dòng họ Việt Nam, các đại sứ, các cơ quan truyền thông, các tổ chức, doanh nghiệp và trường học.

🏆 Hãy cùng tìm hiểu về giải thưởng ngay nào!!! 

Link Web B.R.A

Link Profile B.R.A

Link Zalo Hỗ trợ thí sinh

🏆 Thông tin về chủ sở hữu giải thưởng

Link Profile DJC

Link Web djc.vn

Link Tải App iOS 

Link Tải App Android

Hướng dẫn sử dụng App

☎️ Hotline: 0369 049 868 | 0335 609 868 

💌 Email: info@djc.vn

 

#DiamondJourney

#VLU #NetvietTV

#ADC #AsiaDragonCapital

#DiamondBrandInstitute #DBI

#DJCApp #Nganhangdisan #Heritagebank

#B.R.A #BrandReviewAward

#QuocTocThuongNhan

#B.R.Tour #BrandReviewTour

#TKLC #Talented&KindLadyClub

#LovingTreeClub

Ý kiến (0)