Thị xã Hồng Lĩnh khai mạc Lễ hội Đền Cả và tặng sách tranh Thánh đức Quan Hoàng Mười
Sáng 9/11, Lễ hội đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười năm 2024 đã được khai mạc trong khuôn viên di tích Đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười tại phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.
Dự Lễ khai mạc có Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hà Văn Trọng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành cấp tỉnh.
Về phía thị xã Hồng Lĩnh có: Tỉnh uỷ viên, Bí thư Thị uỷ Lê Thành Đông; Phó bí thư thường trực Thị uỷ, Chủ tịch HĐND thị xã Nguyễn Thăng Long; Phó bí thư Thị uỷ, Chủ tịch UBND thị xã Nguyễn Hữu Khiếu; cùng các thành viên trong BTV Thị ủy, Thường trực HĐND - UBND - UBMTTQ, Trưởng các phòng, ban, ngành, đoàn thể thị xã, lãnh đạo thị xã qua các thời kỳ; lãnh đạo các phường, xã và đông đảo du khách thập phương.
Đền Cả - Dinh Đô quan Hoàng Mười, hay còn gọi là đền Mỏ Hạc Linh Từ, theo tư liệu lịch sử thì được các bậc tiền nhân kiến tạo cách đây trên 700 năm, vào thời Nhà Lý. Đền có quy mô đồ sộ, kiến trúc theo lối chữ “Nhất”, bao gồm: hậu cung (hay còn gọi là cung cấm), thượng điện, trung điện và hạ điện. Là ngôi đền lớn nhất của cả tổng nên được gọi là Đền Cả. Tên gọi Dinh đô quan Hoàng Mười là theo nhân vật thờ chính tại Đền.
Đền được xây dựng trên vùng đất đắc địa, nơi giao nhau giữa ba con sông (sông Lam, sông La và sông Minh). Ở vị trí 3 dòng sông bồi đắp tạo nên thế đất như hình mỏ Hạc (một con vật linh thiêng thường cưỡi trên lưng rùa để chầu trước các điện thờ). Chính vì vậy, thường được nhân dân gọi là đền Mỏ Hạc hay Mỏ Hạc Linh Từ, nghĩa là vùng đất linh thiêng của Đền.
Theo tín ngưỡng thờ đa thần của người Việt, Đền Cả được nhân dân phối thờ nhiều vị thần; trong đó có cả thiên thần, nhân thần và nhiên thần. Cụ thể: Ngoài vị thần được thờ chính là ông Hoàng Mười thì đền còn thờ thần Tam Lang (thần rắn) và bà Lê Thị Ngọc Dung - con gái nuôi của Vua Lê Thái Tổ.
Lễ hội đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười được tổ chức hằng năm để tưởng nhớ công lao của Đức Quan Hoàng Mười và các vị thần được thờ tại đền đã có công trong việc trấn giữ và bảo vệ mọi người khỏi nạn giặc dã, thiên tai. Lễ hội thường được diễn ra trong cả tháng 10 Âm lịch, chính lễ vào ngày trùng thập (mùng 10 tháng 10) với nhiều hoạt động và trò chơi dân gian thu hút nhiều du khách và nhân dân thập phương đến tham dự. Lễ hội năm 2024 được thị xã Hồng Lĩnh tổ chức từ ngày 1 đến 10/11 (tức từ ngày 1 - 10/10 Âm lịch), với nhiều hoạt động trong cả phần lễ và phần hội, gồm:
- Liên hoan tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt;
- Hội thi gói bánh chưng dâng Thánh;
- Lễ rước nước (cấp thủy);
- Lễ cung nghinh đức Hoàng Mười vân du (lễ rước bộ);
- Dạ hội văn nghệ;
- Nghi lễ Nhà nước;
- Lễ tế dân gian.
Lễ hội Đền Cả - Dinh Đô Quan Hoàng Mười gắn với các hoạt động và nghi lễ truyền thống là dịp để người dân, du khách thập phương cùng trải nghiệm, khám phá không gian văn hóa đặc sắc; khơi dậy tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc; tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, du lịch văn hóa tâm linh.
ThS. Nguyễn Châu Linh - Tổng giám đốc Tập đoàn Hành trình Kim cương (DJC), Chủ tịch Học viện Thương hiệu Kim cương (DBI) tham dự Lễ hội Đền Cả
Lễ hội Đền Cả năm 2024 có một hoạt động đặc biệt, đó là ra mắt ấn phẩm về Đức Quan Hoàng Mười - sách tranh “Giai thoại Thánh đức Quan Hoàng Mười”. Đây là ấn phẩm nằm trong Dự án sách tranh Thánh đức do Học viện Thương hiệu Kim Cương (DBI) - thành viên Tập đoàn Hành trình Kim cương (DJC) khởi xướng, kết hợp cùng các thí sinh tài năng của Giải thưởng Brand Review Award là các em học sinh, sinh viên đến từ thị xã Hồng Lĩnh triển khai.
“Giai thoại Thánh đức Quan Hoàng Mười” là cuốn sách tranh kể lại những giai thoại thú vị và sâu sắc về người con thứ mười của Vua cha Bát Hải Động Đình, người được tôn vinh là Thánh vì phẩm hạnh cao quý và công lao to lớn trong công cuộc dựng nước, giữ nước, mở mang bờ cõi của dân tộc Việt Nam. Di tích Đền Cả và tín ngưỡng thờ Quan Hoàng Mười thể hiện ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, giáo dục ý thức cội nguồn, đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt cũng được giới thiệu trong sách. Ngoài ra, ấn phẩm còn giới thiệu đến độc giả một sinh hoạt văn hoá tâm linh đặc sắc của người Việt Nam thường được trình diễn trong khuôn khổ Lễ hội Đền Cả, đó là Giá lễ hầu đồng Quan Hoàng Mười. Hầu đồng là một trong những hoạt động tín ngưỡng thể hiện nét đẹp văn hoá tâm linh của người Việt, đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể của nhân loại được bảo vệ.
Dịp này, hơn 1.000 cuốn sách tranh “Giai thoại Thánh đức Quan Hoàng Mười” đã được Thị xã Hồng Lĩnh trao tặng cho ngành Giáo dục, Ban Quản lý di tích, Thư viện thị xã và đoàn viên thanh niên, các tổ dân phố trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu, Bí thư Thị uỷ thị xã Hồng Lĩnh Lê Thành Đông, Phó bí thư Thị uỷ - Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh Nguyễn Hữu Khiếu, cùng đại diện Tập đoàn Hành trình Kim Cương trao tặng sách tranh “Giai thoại Thánh đức Quan Hoàng Mười” cho Đại diện Ban Quản lý Di tích Đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười, đại diện ngành Giáo dục thị xã, đại diện Trung tâm Văn hóa thị xã và đại diện UBND các phường xã của địa phương
Một số ảnh Khai mạc Lễ hội Đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười năm 2024:
Ý kiến (0)