DJC

Đã đánh giá tài liệu

Cảm ơn bạn đã phản hồi

Những nét đẹp đặc trưng của Hà Nam

Những nét đẹp đặc trưng của Hà Nam

| 1.2K lượt xem | thuyduongdjc

Sông và núi - hai nét chấm phá nổi bật trong bức tranh hình thái địa lý Hà Nam.

4 con sông lớn chảy qua từ 4 hướng ôm lấy vùng đất này. Sông Hồng phía Đông, sông Đáy phía Tây, sông Nhuệ phía Bắc và phía Tây Nam là Ninh Giang (một nhánh của sông Châu). Những dòng sông cổ viết nên những trang sử kiêu hùng. Trong kháng chiến chống Nguyên - Mông, sông Long Xuyên giữ dòng huyết mạch trên đường nhà Trần lui binh, lập kế “thanh dã - vườn không nhà trống”. Sông Thiên Mạc vang vọng lời đanh thép của võ tướng Trần Bình Trọng: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. 

Núi Đọi sông Châu, núi Quế sông Ninh, mỗi cặp non nước kể câu chuyện của đất và người từ buổi đầu quần cư đến ngày an cư lập nghiệp. Dưới chân núi Đọi là bảo vật trống đồng Ngọc Lũ - tiêu biểu cho đỉnh cao rực rỡ của nền văn hóa Đông Sơn. Là ruộng Kim Ngân, nơi vua Lê Đại Hành làm lễ tịch điền mùa xuân 987. Dưới ngọn Quế Sơn, cũng khai quật được nhiều trống đồng, đồ đất nung của người Việt cổ. Những di chỉ này cho thấy, lớp cư dân đầu tiên xuất hiện ở Hà Nam từ rất sớm, trên dưới 1 vạn năm.

Sông bao bọc, núi gối đầu. Cạnh sông Đáy là núi Cấm thơ mộng, còn có tên gọi Cuốn Sơn. Tương truyền, lá cờ của Lý Thường Kiệt từng bay lên và cuốn lại nơi đây. Chuyện xưa cũng kể rằng, trên ngọn núi này, Lý Thường Kiệt đã tìm thấy một loại thảo dược quý chữa bệnh dịch tả cho quân sĩ.

Tâm điểm kết nối các kinh đô và đô thị xưa.

Từ Hà Nam có thể khởi tạo một vòng tròn khép kín các kinh đô, cố đô và đô thị nổi tiếng. Chạy dọc trên đường tròn ấy là kinh đô Thăng Long (Hà Nội) - cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) - phủ Thiên Trường (Nam Định, kinh đô thứ hai của nhà Trần) và đô thị Phố Hiến (Hưng Yên).

Có lẽ bởi vị trí tâm điểm đặc biệt nên Hà Nam thường được chọn làm đất phất cờ tụ nghĩa, luyện binh tập trận, tích trữ lương thảo. Huyện Kim Bảng có căn cứ Lạt Sơn của nữ tướng Lê Chân. Huyện Thanh Liêm có căn cứ Đồng Ao của tướng quân Vũ Cố; căn cứ núi Cõi của vua Lê Đại Hành; căn cứ Nham Tràng của Đinh Công Tráng (lãnh tụ khởi nghĩa Ba Đình). Huyện Lý Nhân có kho lương Trần Thương của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Nét đẹp con người đồng chiêm.

Là “cái rốn nước” của đồng bằng sông Hồng nhưng đất cổ Hà Nam lại có nhiều vùng chiêm trũng. Bình Lục “6 tháng đi chân, 6 tháng đi tay (bơi thuyền)”. Thanh Liêm “chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã lụt”. Lý Nhân “ăn cơm thì ít, ăn khoai thì nhiều”. Sống trong khắc nghiệt chiêm hạn mùa úng, các thế hệ cư dân vẫn gạn lọc, giữ gìn và phát huy những phẩm chất tốt đẹp. 

Nổi bật là lòng yêu nước kiên trung, thứ “vàng ròng” tôi luyện qua ngàn năm giữ nước. Đất Hà Nam anh hùng lưu danh nữ tướng Nguyệt Nga, tướng quân Đinh Nga, Trần Bình Trọng chống giặc phương Bắc. Âm vang “tiếng trống Bồ Đề” năm 1930 thời kháng chiến chống Pháp. Bi tráng huyền thoại “10 cô gái Lam Hạ” - những đóa hoa bất tử thời chống Mỹ (1966).

Chất người núi Đọi sông Châu còn tỏa sáng truyền thống lao động cần cù, sáng tạo. Hà Nam có nhiều làng nghề thủ công nổi tiếng. Dệt lụa Nha Xá, thêu ren Thanh Hà, mỹ nghệ Đô Hai, gốm Quyết Thành, trống Ðọi Tam, bánh đa nem Chều, rượu làng Vọc...

Và ở thời kỳ nào, con người đồng chiêm cũng nêu cao tinh thần hiếu học. Đất nghèo nuôi chí nhân tài. Lịch sử khoa bảng vinh danh 58 đại khoa xuất thân từ Hà Nam. Nhiều vị đóng góp quan trọng trong sự nghiệp kiến thiết đất nước: Thượng thư Trương Công Giai (quan Tế Tửu Quốc Tử Giám), Tiến sĩ Lý Trần Thản (người thầy rèn cặp chúa Trịnh), Bùi Văn Dị (vị danh sĩ duy nhất được ban từ Phó bảng lên Tiến sĩ)... Hà Nam còn nở rộ nhiều tài hoa trên văn đàn nước nhà như: Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, nhà thơ Phạm Tất Đắc, nhà văn Nam Cao,... 

Màn bứt phá kinh tế sau ngày tái lập tỉnh.

Hà Nam lần đầu tiên tách thành tỉnh riêng biệt vào tháng 10 năm 1890 (thời vua Thành Thái). Sau đó, tỉnh sáp nhập chung với Nam Định (1965) và Ninh Bình (1975). Đến năm 1996, Hà Nam tái lập lần nữa và bước vào giai đoạn bứt phá.

Từ vùng chiêm trũng, nông nghiệp chiếm 52% cơ cấu kinh tế, Hà Nam đã thay đổi ngoạn mục trên lộ trình đổi mới và hội nhập. Xứ đồng chiêm ngày nay khẳng định vị thế của một tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp cao. Tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ chiếm hơn 90%, thu hút hàng trăm dự án đầu tư trong và ngoài nước với số vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng. Song song đó, Hà Nam cũng trở thành điểm sáng về du lịch sinh thái - văn hóa - lịch sử.

Miền trầm tích văn hóa.

Diện tích Hà Nam nhỏ thứ hai cả nước (sau Bắc Ninh). Đơn vị hành chính gồm duy nhất thành phố Phủ Lý và chỉ có 5 huyện. Thế nhưng, trải dài trên vùng đất này là gần 2000 di tích, hơn 200 lễ hội truyền thống. Hầu hết lễ hội tổ chức ở đền chùa vào dịp đầu xuân, bảo tồn nhiều nghi thức đậm đà bản sắc dân tộc (Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, Hội đền Trần Thương, Hội xuân Tam Chúc, Hội vật võ Liễu Đôi...).

Xứ đồng chiêm cũng là cái nôi của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc. Chiếu chèo làng Ngò - Châu Giang - Phương Thượng, múa hát Dậm Quyển Sơn, múa hát Lải Lèn, dân ca giao duyên... Những làn điệu như mạch nước ngầm, “để thương để nhớ để đợi để chờ” trong tâm thức mỗi người dân nơi đây. 

Cá kho làng Vũ Đại - đặc sản danh bất hư truyền của ẩm thực Hà Nam.

Không chỉ là nguyên mẫu trong tác phẩm của Nam Cao, làng Vũ Đại (Đại Hoàng) còn nổi tiếng trong và ngoài nước với đặc sản cá kho. Mâm cơm tất niên của nhiều gia đình Việt không thể thiếu món ngon này.

Một mẻ cá chế biến rất cầu kỳ, kho nấu cực công phu ít nhất từ 12 đến 16 tiếng. Phải chọn loại trắm đen (4 - 6 kg) thịt chắc vị bùi. Ướp thấm mười mấy loại gia vị riềng củ, gừng, ớt, hành, muối hạt, nước cốt cua đồng, nước mắm... Chỉ kho bằng niêu đất Đô Lương. Chỉ dùng củi nhãn để lửa đượm đều. Canh đỏ lửa cả ngày lẫn đêm. Châm nước ngay khi vừa cạn. Niêu cá chuẩn hương vị Vũ Đại nhừ xương mềm thịt, thơm béo đậm đà và phải giữ được mùi niêu đất đặc trưng.

Ngoài cá kho trứ danh, ẩm thực Hà Nam còn hấp dẫn với bánh cuốn Phủ Lý, dê núi 7 món Kim Bảng, riêu cá đối Tam Chúc, gà móng Duy Tiên...

Địa điểm nổi tiếng ở Hà Nam:

Kẽm Trống - thắng cảnh quốc gia được xếp hạng từ năm 1962. Thiên nhiên đã vẽ nên một bức tranh thủy mặc nên thơ trên địa phận xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm. Nơi quãng sông Đáy uốn mình giữa hai dãy núi đá vôi ấy là Kẽm Trống non nước hữu tình. Là trùng điệp sắc xanh núi Bài Thơ, núi Vọng, núi Bồng, núi Động Xuyên,... Là ẩn hiện rêu phong mái chùa Trinh Tiết cổ kính. Và kỳ thú những hang Dơi, hang Luồn, hang Nứt... lấp lánh sắc màu nhũ đá. 

Khu du lịch Tam Chúc - được ví như chốn bồng lai tiên cảnh. Nằm ở xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, khu du lịch rộng hơn 5.000 ha. Địa thế “tựa sơn hướng thủy”: sau lưng là núi, trước mặt nhìn ra hồ nước tự nhiên rộng nhất cả nước. Bốn bên bao bọc bởi dãy núi Thất Tinh hùng vĩ. Năm 2001, chùa Tam Chúc (Ba Sao) được phục dựng, góp phần đưa nơi đây thành điểm du lịch sinh thái - tâm linh nổi tiếng. Chùa thờ pho tượng ngọc nặng 4,9 tấn. Ngoài ra, còn có tượng Quan Âm Bồ Tát bằng đồng nguyên khối nặng 100 tấn. Cây bồ đề chiết từ “Cây Bồ Đề Vĩ Đại Cát Tường” hơn 2000 năm tuổi của Sri Lanka. Và 8500 bức tranh kể câu chuyện Đức Phật.

Chùa Long Đọi Sơn - trung tâm Phật giáo một thời của trấn Sơn Nam xưa. Nơi đây cũng lưu giữ “Bia Sùng Thiện Diên Linh” (một trong những tấm bia cổ lớn nhất hiện nay). Chùa khởi dựng dưới thời vua Lý Thánh Tông và trải qua nhiều lần tôn tạo, trùng tu. Tuy vậy, dấu ấn đặc trưng của phong cách kiến trúc thời Lý vẫn trường tồn trong ngôi cổ tự xấp xỉ ngàn năm tuổi. Nếu có dịp qua xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, bạn nhớ ghé thăm danh thắng này, để thưởng lãm vẻ đẹp linh thiêng và chiêm ngưỡng nhiều di vật lịch sử giá trị. 

Chùa Bà Đanh - nổi tiếng với vẻ đẹp thâm nghiêm, cô tịch. Có lẽ vì thế mới có câu ví von “vắng như chùa Bà Đanh”. Chùa tọa lạc ở xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng. Tương truyền, ban đầu đây chỉ là một ngôi đền tre nứa đơn sơ, đến thời vua Lê Hy Tông (thế kỷ 17) chùa mới được xây dựng khang trang. Kết cấu ngôi chùa gần 40 gian nhà lớn nhỏ, mang đậm nghệ thuật kiến trúc đình chùa Bắc Bộ. Không còn “đệ nhất vắng khách” như truyền tụng, ngày nay chùa Bà Đanh được đông đảo du khách ghé thăm (nhất là vào dịp hội chùa tháng 2 âm lịch).

Đền Trần Thương (huyện Lý Nhân) - 1 trong 3 ngôi đền thiêng gắn với cuộc đời Hưng Đạo Đại Vương, “Sinh Kiếp Bạc, thác (mất) Trần Thương, hương Bảo Lộc”. Trong kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông lần hai, Trần Hưng Đạo từng chọn làng Miễu làm kho lương. Làng Miễu vì thế về sau cũng đổi tên Trần Thương (kho lương của nhà Trần). Sau thắng lợi, vị anh hùng dân tộc đã trở lại đây phát lương khao quân dân. Nghi lễ này được tái diễn trong ngày hội đền 15 tháng giêng và 20 tháng tám âm lịch. 

Khu lưu niệm Cát Tường - nơi ghi dấu Bác Hồ về thăm tỉnh Hà Nam. Khu lưu niệm thuộc xã An Mỹ, huyện Bình Lục, được xây dựng trên khu đất Bác từng nói chuyện, động viên bà con chống hạn (1958). Công trình gồm nhà bia, nhà tưởng niệm, sân vườn, bồn hoa, hồ nước, bến sông, cây đa; cảnh quan thoáng đãng. Đây là nơi tổ chức nhiều lễ kỷ niệm - lễ báo công của tỉnh nhà, cũng là “địa chỉ đỏ” bồi dưỡng tinh thần truyền thống cho thế hệ trẻ.
 

Ý kiến (0)