Những nét đẹp đặc trưng của Quảng Ninh
Cửa ngõ liên quốc gia, liên vùng, liên tỉnh.
Quảng (trong tên khu Hồng Quảng) nghĩa là rộng lớn. Ninh (trong tên tỉnh Hải Ninh cũ) nghĩa là bền vững, yên bình. Quảng Ninh - một vùng yên bình rộng lớn nằm ở phía Đông Bắc nước ta. Tỉnh duy nhất có cả biên giới đường bộ lẫn đường biển với Trung Quốc. Do đó, Quảng Ninh giữ vị trí đặc biệt quan trọng trên hành lang hợp tác với thị trường đông dân nhất thế giới.
Quảng Ninh còn đóng vai trò kết nối vùng Đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc. Đồng thời là 1 trong 2 cửa ngõ ra biển cho toàn miền Bắc. Cùng với Hà Nội và Hải Phòng, Quảng Ninh hợp thành tam giác kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tiềm năng phát triển của tỉnh khá đa dạng, có thể phát triển toàn diện các ngành công nghiệp xây dựng, kinh tế biển, du lịch xanh…
“Một Việt Nam thu nhỏ”.
Đồi núi bao phủ hơn 80% diện tích Quảng Ninh. Bao gồm vùng núi phía đông với dãy Quảng Nam Châu cao 1507m. Vùng núi phía Tây nổi bật đỉnh Yên Tử (1068m) và đỉnh Am Váp (1094m). Toàn tỉnh có hơn 2000 hòn đảo nổi (chiếm 2/3 số đảo cả nước), chạy dọc theo đường bờ biển dài 250km. Ngoài ra, còn có vùng trung du và đồng bằng bồi lắng phù sa. Có thể thấy, Quảng Ninh sở hữu địa hình đa dạng từ núi đồi đến đồng bằng ven biển, hải đảo. Cũng bởi đặc thù tự nhiên này mà Quảng Ninh được ví như “một Việt Nam thu nhỏ”.
Thủ phủ du lịch vùng Đông Bắc.
Ngoài địa chất - địa mạo phong phú, tạo hóa còn ban tặng cho Quảng Ninh thiên nhiên đa sắc màu. Là muôn vàn sắc xanh kỳ vĩ của núi đồi biển đảo. Màu xanh ấy từng thử thách “vốn từ vị” của bậc thầy tùy bút Nguyễn Tuân trong chuyến ra thăm Cô Tô, bởi “chữ không tài nào tuôn ra kịp được với nhịp sóng”. Là trắng ngần triền bông lau, trắng muốt rừng hoa sở đầu đông, trắng xóa thác Khe Vằn. Là vàng ruộm chân ruộng bậc thang mùa lúa hát Bình Liêu, vàng óng vườn cam trĩu quả Vân Đồn.
Tạo hóa cũng ngẫu hứng phác họa những khối hình danh thắng có một không hai. Kỳ quan vịnh Hạ Long 3 lần được UNESCO vinh danh Di sản thiên nhiên thế giới. Vịnh Bái Tử Long nguyên sơ với hàng trăm đảo đá vôi và đảo phiến thạch. Khu rừng già Yên Tử linh thiêng hàng trăm năm tuổi. Bãi biển Trà Cổ dài nhất Việt Nam…
Cảnh trí Quảng Ninh tươi đẹp suốt bốn mùa trong năm, tựa như một bài thơ mà mỗi câu từ vần điệu đều ẩn chứa những khám phá mới mẻ, ấn tượng.
Đa tầng văn hóa.
Quảng Ninh không chỉ nổi trội về cảnh quan mà còn độc đáo về bản sắc văn hóa. Bóng mát đại thụ văn hóa vươn cành tỏa nhánh trên gốc rễ giao thoa, hội tụ; không đối nghịch loại trừ mà thống nhất trong đa dạng.
Trước hết, phải kể đến 3 tàn nhánh quan trọng đầu tiên. Đó là văn hóa biển, văn hóa sông Hồng và văn hóa công nhân mỏ. Văn hóa biển hình thành từ thời tiền sử, phát triển đến đỉnh cao văn hóa Hạ Long và về sau rực rỡ với thương cảng Vân Đồn. Tuy vậy, cư dân cổ Hạ Long không phải là chủ nhân duy nhất trên dải đất địa đầu Đông Bắc. Theo những luồng di dân từ Nam Định, Thái Bình, Hải Dương…; phong tục, tập quán của văn hóa sông Hồng dần du nhập và cắm rễ sâu vào lòng đất Quảng. Cứ thế đến giữa thế kỷ XIX, khi nhát cuốc đầu tiên bổ xuống mỏ than Yên Lãng theo chỉ dụ của vua Minh Mạng, ấy cũng là lúc xuất hiện thêm văn hóa công nhân mỏ.
Quảng Ninh còn là nơi phát tích thiền phái Trúc Lâm thời Trần. Vì vậy, tư tưởng Phật giáo mặc nhiên tác động đến bản sắc văn hóa nơi đây. Cuối cùng, không thể bỏ qua tàn nhánh văn hóa miền núi, kết tinh từ cộng đồng 22 dân tộc thiểu số Tày, Dao, Sán Dìu, Sán Chay, Hoa…
Phẩm chất con người Quảng Ninh.
Trên cơ tầng địa hình và văn hóa đa dạng, khí chất đặc trưng của con người Quảng Ninh dần thành hình. Vùng biển Hòn Gai, Quảng Yên, Cô Tô…, ngư dân bám biển mà sống, vượt sóng mà xa khơi. Hơi thở đại dương thấm đẫm trong mạch đập ý chí của họ. Như những đảo đá sừng sững giữa trùng khơi sóng nước, ở họ hội tụ cả sự trầm mặc kiên cường lẫn hào sảng phóng khoáng.
Vùng núi như Hoành Bồ, Ba Chẽ, Tiên Yên, Móng Cái; người dân đối mặt biên cương hiểm trở, thổ phỉ đường rừng. Môi trường gai góc ấy hun đúc tính cách chịu thương chịu khó, mưu trí, sáng tạo.
Vùng đồng bằng Đông Triều, Quảng Yên…; các thế hệ cư dân lập làng gắn bó nghề làm nông và tiểu thủ công nghiệp. Họ phát huy tinh thần cởi mở, bao dung, năng động thích ứng với những giá trị du nhập từ văn hóa sông Hồng.
Khí chất con người Quảng Ninh còn tỏa sáng tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” - vốn là đặc trưng của văn hóa công nhân mỏ. Ngày 12 tháng 11 năm 1936 (ngày vùng mỏ bất khuất), hơn 30.000 công nhân biểu tình đòi tăng lương giảm giờ làm. Sau thắng lợi vang dội của cuộc tổng bãi công, Quảng Ninh trở thành một trong những cái nôi của phong trào công nhân; bồi dưỡng nhiều thế hệ chiến sĩ cách mạng ưu tú (Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Vũ Văn Hiếu, Đặng Châu Tuệ…).
Ẩm thực ấn tượng hương vị của biển và núi.
Sổ tay ẩm thực Quảng Ninh đặc sắc với nhiều loại hải sản trứ danh. Sam Quảng Yên, rươi Đông Triều, sá sùng - cù kỳ Quan Lạn, hà cồn sông Chanh, ruốc lỗ Hoành Bồ, ngán - bề bề Hạ Long, tu hài Vân Đồn… Những loại hải sản này dù chế biến đơn giản hay cầu kỳ đều hấp dẫn vị tươi ngon đặc biệt. Trong đó, bạn nhất định phải thử qua món chả mực giã tay - làm từ loại mực trắng sữa chỉ có ở vùng biển Hạ Long.
Khác với sản vật miền biển mặn mà, sản vật miền núi tròn trịa hương vị mới lạ. Cùng với chả mực, gà đồi Tiên Yên cũng nằm trong danh sách 50 đặc sản nổi tiếng Việt Nam. Thịt gà thơm ngọt tự nhiên, không dai ngậy, ăn một miếng mà lưu luyến độ chắc giòn. Và nếu có dịp ghé qua các huyện miền núi, bạn đừng quên thưởng thức những món độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số. Tiêu biểu như bánh cốc mò, bánh lá ngải, bánh gật gù, bánh tài lồng ệp, xôi ngũ sắc, canh gà nấu rượu bầu, phở xào Bình Liêu.
Nếu nói ẩm thực tạo nên phong vị cho một vùng đất thì có lẽ món ngon Quảng Ninh đã tròn vai sứ mệnh.
Những địa điểm nổi tiếng ở Quảng Ninh:
Vịnh Hạ Long - “chuỗi ngọc quý giữa lòng đại dương”. Hàng triệu năm biến thiên địa chất đã kiến tạo một di sản thiên nhiên mang tầm thế giới. Tác phẩm tạo hình kỳ vĩ này nhấp nhô hàng nghìn đảo lớn nhỏ, huyền ảo hàng chục hang động và nên thơ nhiều bãi tắm đẹp. Không chỉ độc đáo giá trị cảnh quan, vịnh Hạ Long còn đa dạng giá trị sinh học, sinh thái, văn hóa lịch sử. Một vài điểm tham quan tiêu biểu trong khu vịnh: hồ Ba Hầm, đảo Hang Trai, hang Cạp La, hang Thầy, hòn Trống Mái, hòn Lư Hương, động Thiên Cung…
Vịnh Bái Tử Long (kế bên vịnh Hạ Long) - “hòn ngọc thô của biển cả”. Vịnh gồm hơn 600 hòn đảo, chia thành 3 cụm đảo chính Ba Mùn, Trà Ngọ và Sậu. Ngoài đảo đá và đảo phiến thạch, khu vịnh còn có đảo núi đất nơi dân cư sinh sống. Một số điểm tham quan nổi bật: động Thiên Sơn, bãi Hòn Cỏ, làng chài Vung Viêng, di tích thương cảng Vân Đồn, thành nhà Mạc, đình Quan Lạn… Đặc biệt, vườn quốc gia Bái Tử Long sở hữu bộ sưu tập động vật quý hiếm đã được công nhận là vườn di sản ASEAN.
Đảo Quan Lạn - đảo núi đất trên vịnh Bái Tử Long, cách trung tâm huyện Vân Đồn khoảng 40km. Quan Lạn đẹp nhất từ tháng 5 đến tháng 7 khi tiết trời chưa mưa bão. Lúc này nước biển ấm, trong xanh, nắng vàng, sóng dịu. Đây là thời điểm lý tưởng để tắm biển, tham quan Eo Gió và đi dạo trên các bãi tắm Minh Châu, Sơn Hào. Ngoài ra, những ai thích khám phá cuộc sống ngư dân có thể tham gia bắt ốc, câu mực đêm.
Khu du lịch quốc tế Tuần Châu - thiên đường nghỉ dưỡng của thành phố Hạ Long. Biển Tuần Châu tuy là biển nhân tạo nhưng vẻ đẹp của bãi cát, làn nước không hề kém cạnh biển tự nhiên. Ngoài khu resort 5 sao, khu vui chơi giải trí rộng hơn 5ha, Tuần Châu còn có cảng tàu du lịch lớn nhất Đông Nam Á. Đến Tuần Châu, du khách được xem những buổi trình diễn xiếc cá heo, hải cẩu độc đáo; thử sức các trò chơi dưới nước (lướt ván, cano dù), thưởng thức ẩm thực Á Âu. Đặc biệt, còn được trải nghiệm cảm giác thức giấc trên du thuyền đang lênh đênh trên vịnh.
Khu danh thắng và di tích Yên Tử (thành phố Uông Bí) - một trong những trung tâm Phật giáo của cả nước, gắn liền với Thiền phái Trúc Lâm. Năm 1299, Phật hoàng Trần Nhân Tông nhường ngôi, xuất gia lên rừng trúc tu tập. Trải mấy trăm năm, đến nay khu danh thắng vẫn còn lưu giữ nhiều công trình Phật giáo giá trị (chùa Bí Thượng, chùa Suối Tắm, chùa Hoa Yên, tháp Tổ Huệ Quang, am Thiền Định). Hàng năm, hội hành hương Yên Tử bắt đầu từ mùng 10 tháng giêng và kéo dài suốt 3 tháng mùa xuân.
Khu di tích nhà Trần (huyện Đông Triều) - thánh địa linh thiêng mang đậm dấu ấn kiến trúc Đông A. Đây là một bộ phận thuộc quần thể danh thắng Yên Tử, nằm trong danh sách Di tích quốc gia đặc biệt. Nơi đây tập trung nhiều lăng mộ, đền miếu liên quan đến lịch sử hiển hách của vương triều Trần và thiền phái Trúc Lâm. Tiêu biểu như: Lăng Tư Phúc, Thái lăng, Mục lăng, Ngải Sơn lăng, đền An Sinh, đền Thái, chùa Ngọa Vân, am Mộc Cảo, chùa quán Ngọc Thanh.
Bảo tàng Quảng Ninh (phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long) - “viên ngọc đen bên bờ biển”. Công trình thiết kế bởi một kiến trúc sư người Tây Ban Nha, vinh dự nhận giải “Kiến trúc năm” do Hội Kiến trúc sư Việt Nam bình bầu (2014). Bảo tàng chia thành 2 khu vực. Khu ngoài trời trưng bày các hiện vật thể khối lớn như pháo cao xạ, khối than đá Antraxit lớn nhất Việt Nam. Khu trong nhà là bộ sưu tập đa dạng tài nguyên thiên nhiên, di chỉ các thời kỳ văn hóa, lịch sử Phật giáo Yên Tử và nhà Trần, lịch sử cách mạng, lịch sử ngành than…
THÔNG TIN GIẢI THƯỞNG
🏆 Hãy cùng tìm hiểu về giải thưởng ngay nào!!!
🏆 Thông tin về chủ sở hữu giải thưởng
☎️ Hotline: 0369 049 868 | 0335 609 868
💌 Email: info@djc.vn
#DiamondJourney #DJC
#DiamondBrandInstitute #DBI
#DJCApp #Nganhangdisan #Heritagebank
#B.R.A #BrandReviewAward
#BrandReviewTour
#VLU
#TapchiDoanhnhansaigon
#TapchiSaigonnewday
Ý kiến (0)