Những nét đẹp đặc trưng của Thái Bình
“Hòn đảo” trên miền duyên hải Bắc Bộ.
Không có đồi núi nhưng bù lại Thái Bình sở hữu mạng lưới sông ngòi dày đặc. Trong đó có các dòng sông lớn chảy qua từ ba hướng. Sông Luộc ở phía Tây Bắc. Sông Hóa và Thái Bình phía Đông Bắc. Sông Hồng từ phía Tây và Nam. Thái Bình còn tiếp giáp với Vịnh Bắc Bộ ở phía Đông. Chính sự bao bọc của sông - biển khiến toàn tỉnh giống như một “hòn đảo” rộng lớn.
Vùng đất giữ nghiệp và hưng nghiệp của nhiều triều đại đế vương.
Phù sa lắng đọng bồi tụ nên đai màu mỡ, thu hút nhiều nhóm cư dân tụ về. Họ sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước và đánh bắt thủy hải sản. Di chỉ khảo cổ học khai quật ở Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Thái Thụy... cho thấy, vết tích quần cư xuất hiện từ khá sớm (cuối thời đại đồng thau). Bước sang thời đại đồ sắt, Thái Bình đã trở thành một vùng đất trù phú, căng tràn lực sống. Có lẽ, đó cũng là lý do khiến nơi đây được chọn là đất giữ nghiệp - hưng nghiệp của nhiều triều đại đế vương.
Từ thế kỷ VI, Lý Bí dựa vào đất này, khởi binh đánh đuổi giặc Lương lập ra nước Vạn Xuân. Thế kỷ X, tướng quân Trần Lãm cũng chọn Bố Hải Khẩu (trung tâm tỉnh Thái Bình ngày nay) để gầy dựng sứ quân mạnh nhất, tương trợ Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên nội loạn. Đến thế kỷ XIII, từ miền Hải Ấp (nay thuộc huyện Hưng Hà), nhà Trần từng bước tiến lên vũ đài chính trị, lưu danh hào khí Đông A lẫy lừng sử sách.
Niềm tự hào quê lúa, đất nghề.
“Vựa lúa sông Hồng”, “quê hương năm tấn” - những tên gọi thân thương nhắc nhớ về Thái Bình. Vùng đất này vốn dĩ được tự nhiên ưu ái nhiều yếu tố thuận lợi cho việc gieo trồng lúa nước. Thế nhưng, chính tinh thần lao lao động cần cù, sáng tạo của người dân mới là yếu tố tạo nên đột phá sản lượng. Là tỉnh đầu tiên của miền Bắc đạt đỉnh cao năng suất 5 tấn thóc/ha, Thái Bình được xem như điển hình về thâm canh cây lúa.
Bên cạnh đó, miền quê lúa còn sở hữu hàng trăm ngành nghề truyền thống lâu đời. Những sản phẩm làng nghề vang danh trong và ngoài nước như: Đặc sản bánh cáy làng Nguyễn, chạm bạc Đồng Xâm, chiếu dệt Tân Lễ, làng thêu Minh Lãng, làng dệt Phương La... Có thể nói cho đến hiện tại, nông nghiệp và thủ công nghiệp vẫn là những mảnh ghép không thể thiếu trong bức tranh kinh tế tỉnh nhà.
Hàng ngàn năm đắp đê lập làng, lấn biển mở đất hun đúc nên cốt cách con người Thái Bình.
Kiên cường chống chọi với thiên nhiên. Đoàn kết bảo vệ bờ cõi. Cần mẫn nhạy bén trong lao động sản xuất. Hiền hòa cởi mở trong nếp ăn nếp ở. Những tố chất nổi bật ấy hình thành nét đẹp tính cách của cư dân Thái Bình. Không chỉ vậy, người Thái Bình còn giàu tinh thần hiếu học và ý chí tiến thủ. Bảng vàng bia đá từng lưu danh hàng trăm trí thức khoa bảng xuất thân từ vùng quê lúa. Trong đó nhiều vị là danh nhân đất Việt, tiêu biểu như nhà bác học Lê Quý Đôn, Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ.
Nghệ thuật chèo cổ và kiến trúc đình chùa tạo điểm nhấn văn hóa độc đáo.
Thái Bình hội tụ và lan tỏa nhiều giá trị văn hóa đặc trưng của Đồng bằng châu thổ sông Hồng. Rõ nét nhất là tinh hoa nghệ thuật chèo truyền thống. Chiếng chèo nức tiếng chắc chắn phải kể đến chèo Khuốc - một trong bảy chiếc nôi chèo cổ Bắc Bộ. Khơi nguồn từ xã Phong Châu (huyện Đông Hưng), làn điệu mượt mà của chèo cổ làng Khuốc bồi đắp tâm hồn biết bao thế hệ người dân Thái Bình. “Chẳng thèm ăn chả ăn nem. Thèm no cơm tẻ thèm nghe hát chèo”.
Sắc màu văn minh lúa nước, văn hóa làng xã còn được điểm tô bởi nhiều loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc khác. Chẳng hạn như múa rối nước Nguyên Xá - một trong những phường rối nước lâu đời nhất nước ta. Hay như múa giáo cờ giáo quạt làng Giắng, các trò chơi trò diễn dân gian sôi động mỗi dịp lễ hội. Và cuối cùng, sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua vẻ đẹp thăng trầm của hàng nghìn công trình kiến trúc cổ. Những chùa Keo, đền Trần, đền Chòi, đình Lưu, đình Lương Mỹ... trở thành biểu tượng ngời sáng bản sắc văn hóa Thái Bình.
Địa điểm nổi tiếng ở Thái Bình:
Đền Đồng Bằng - được ví như bảo tàng mỹ thuật điêu khắc gỗ. Đền xây dựng từ thời Duệ Vương (đời Hùng Vương thứ 18), mang đậm phong cách kiến trúc truyền thống của làng xã Bắc Bộ. Ngôi đền uy nghi có tổng cộng 66 gian liên hoàn khép kín, nét chạm trổ mềm mại, sống động. Đền cũng lưu giữ nhiều cổ vật độc đáo từ thời Lý đến thời Nguyễn.
Đền Mẫu Tiên La - ấn tượng với kiến trúc đá đồ sộ. Hàng năm, đền Tiên La khai hội từ mùng 10 đến 17/3 âm lịch. Hội đền tưởng nhớ Đông Nhung Đại tướng quân Vũ Thị Thục, vị nữ dũng tướng thời Hai Bà Trưng. Trong lễ hội, nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống được phục dựng và bảo tồn như: nghi lễ cầu nước (tưới nước trên sông), hát ca trù hát văn, giã bánh giầy, têm trầu cánh phượng...
Chùa Keo - một trong những ngôi chùa cổ đẹp nhất Việt Nam, điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Thái Bình. Tương truyền, chùa Keo do thiền sư Dương Không Lộ xây dựng vào năm 1061. Sau trận lụt lớn năm 1611 cùng nhiều biến động lịch sử, hiện nay chùa còn lại 17 công trình và 128 gian. Mang vẻ đẹp độc đáo cả về kiến trúc lẫn phong cách thờ tự, chùa Keo đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Đền Trần - rộng hơn 5000 m², thờ tự các vua Trần và Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Khu đền cổ tọa lạc giữa trung tâm xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà (nơi phát tích và dựng nghiệp của triều Trần). Một tổng thể kiến trúc bề thế với hệ thống rồng đá chạm khắc tinh vi, chia thành nhiều không gian bao gồm không gian hành lễ, nội tự đền, vườn cây xanh...
Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm - bề dày hình thành phát triển trên 400 năm. Hàng bạc Đồng Xâm tinh xảo, hình khối độc đáo, thủ pháp xử lý sáng tối điêu luyện. Nghệ nhân tài hoa nơi đây đã đưa sản phẩm đến rộng khắp tỉnh thành cả nước, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài. Đền Đồng Xâm (thờ ông tổ nghề bạc Nguyễn Kim Lâu) cũng là quần thể di tích đặc biệt, thu hút đông đảo khách thập phương ghé thăm.
Khu sinh thái Cồn Đen - một trong những cồn biển đẹp nhất miền Bắc. Thảm thực vật nguyên sơ, bãi cát mịn, hàng thông xanh, dải rừng ngập mặn ven biển như “bức tường chắn sóng”. Tất cả hợp thành cảnh quan thiên nhiên kỳ thú cho Cồn Đen.
Bãi biển Đồng Châu - mê đắm lòng người bởi cảnh bình minh tuyệt đẹp. Bãi tắm lộng gió, cánh đồng ngao bất tận cùng những chòi canh trải dài tạo nét chấm phá cho khung cảnh yên bình. Đặc biệt, từ biển Đồng Châu, du khách có thể đi tàu, xuồng gắn máy ra thăm quan và tận hưởng không khí trong lành ở Cồn Thủ, Cồn Vành.
THÔNG TIN GIẢI THƯỞNG
🎄 B.R.A là giải thưởng Review các Câu chuyện Thương hiệu QUỐC TỘC THƯƠNG NHÂN danh giá đầu tiên ở Việt Nam có quy mô toàn cầu được tổ chức nhằm tôn vinh tài năng trẻ. Giải thưởng được khởi xướng bởi Tập đoàn Hành trình Kim cương phối hợp cùng ĐH Văn Lang, NetVietTV, PathCAN cùng nhiều đối tác và được bảo trợ truyền thông bởi Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn.
🏆 Hãy cùng tìm hiểu về giải thưởng ngay nào!!!
🏆 Thông tin về DJC
☎️ Hotline: 0369 049 868 | 0335 609 868
💌 Email: info@djc.vn
#BrandReviewAward
#DiamondJourney #DJCApp
#VLU #NetvietTV #PathCAN
#QuocTocThuongNhan
#NationFamilyEnterprisePerson
#Nganhangdisan #Heritagebank
#ADC #AsiaDragonCapital
Ý kiến (0)